selection-banner

10 Hoạt Động Không Thể Bỏ Qua Trong Dịp Tết Việt Nam

Tết là thời gian mọi người dân ở Việt Nam tạm gác lại những lo toan thường ngày. Họ sẽ cho phép mình nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn trong dịp lễ dài. Để đầu năm thêm rộn ràng, bạn không nên bỏ lỡ các hoạt động đón Tết hấp dẫn.

 

Vào dịp Tết Nguyên Đán, có rất nhiều hoạt động từ truyền thống tới không truyền thống. Bạn có thể tham gia để kỳ nghỉ của mình không trôi qua nhàm chán. Thông thường, người Việt sẽ nghỉ Tết trung bình 5-7 ngày. Vì vậy, hãy tận dụng thời gian này để trải nghiệm thật nhiều nhé! Dưới đây là các hoạt động Tết không thể thiếu tại Việt Nam.

 

Dọn dẹp, bài trí nhà cửa đón Tết

 

Những ngày cận Tết, nhà nhà người người đều tất bật. Họ cần hoàn thành công việc để yên tâm nghỉ Tết song song với dọn dẹp nhà cửa. Người Việt tâm niệm rằng điều này là xả xui năm cũ và tạo không gian mới sạch sẽ để rước lộc. Bên cạnh đó, việc trang hoàng nhà cửa với hoa mai, hoa đào, chậu quất, câu đối đỏ,... làm tăng thêm không khí tưng bừng ngày Tết. Họ cũng sẽ đi chợ xuân, sắm thêm đồ ăn, thức uống, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, v.v. 

 

Dọn dẹp, bài trí nhà cửa đón Tết

 

Cúng Táo quân

 

Trước Tết khoảng một tuần, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, một hoạt động quan trọng của người Việt sẽ diễn ra. Đó là ngày cùng Táo quân (hay ông Công ông Táo) - những vị thần cai quản bếp núc trong gia đình. Theo truyền thuyết dân gian, sau lễ cúng này, các Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời bẩm báo mọi việc của gia chủ trong năm qua với Ngọc hoàng. Vì vậy, mỗi nhà đều sẽ chuẩn bị một mâm cúng thịnh soạn, tươm tất để tiễn thần linh về trời. Một nghi thức khác được nhiều người thực hiện chính là phóng sinh cá chép.

 

Mâm cỗ cúng tùy thuộc vào văn hóa vùng miền, điều kiện kinh tế và khẩu vị của mỗi gia đình. Các món ăn truyền thống thường thấy bao gồm xôi, cơm canh, thịt gà luộc, thịt lợn, trái cây, rượu, trầu cau,... Ngoài ra, còn có giấy tiền, vàng mã, quần áo và đôi hia bằng giấy.     

 

Gói bánh chưng, bánh tét 

 

Bánh chưng, bánh tét là hai món đặc trưng, không thể thiếu trong dịp Tết tại Việt Nam. Ngày nay, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống nấu bánh chưng vào khoảng ngày 29, 30 tháng Chạp âm lịch. Mọi người rôm rả cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh và quây quần bên bếp lửa, thay phiên canh cho lửa cháy đều. Hương vị ngày Tết nhờ đó mà thêm đậm đà tình thân. 

 

Gói bánh chưng, bánh tét

 

Ăn Tất niên

 

Tất niên là một trong các hoạt động đánh dấu sự kết thúc của một năm tại Việt Nam. Cũng vào ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cơm ngon lành để sum họp bên nhau, tạm biệt năm cũ, đón mừng năm mới cũng như tạ ơn tổ tiên, trời đất. Các món ăn phổ biến nhất ở cả 3 miền là bánh chưng, xôi, gà luộc, giò lụa, thịt heo, canh,...

 

Nhiều doanh nghiệp cũng tổ chức Tất niên để tổng kết năm vừa qua, gắn kết nhân sự, tri ân và tạo động lực phát triển mạnh hơn trong năm mới. 

 

Đón giao thừa

 

Đón giao thừa là một trong những hoạt động không thể bỏ qua dịp Tết. Thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ là khoảnh khắc quan trọng và đáng nhớ với nhiều người. Khi ấy, các thành viên trong gia đình đều sẽ cố gắng đoàn tụ bên nhau. Vào đúng nửa đêm 29 hoặc 30 tháng Chạp (tùy lịch thiếu hay đủ), họ sẽ ngồi lại cùng chuyện trò, ăn uống, lì xì, dành cho nhau những lời chúc tụng, v.v. 

 

Đón giao thừa

 

Xem pháo hoa

 

Ở các thành phố lớn của Việt Nam, các sự kiện bắn pháo hoa dịp Tết là hoạt động được rất nhiều người trông ngóng. Giây phút những chùm pháo rực rỡ bay lên không trung, người ta không khỏi bồi hồi, xúc động. Chắc hẳn ai ai cũng thầm nguyện cầu những điều an lành sẽ đến trong năm mới.
 

Tảo mộ, đi lễ chùa cầu an dịp Tết

 

Việt Nam là nước có đông đảo người dân theo đạo Phật. Vậy nên dịp đầu xuân, họ lại càng nô nức đi lễ chùa. Đây là một trong những hoạt động thể hiện rõ nét đời sống tinh thần của người Việt nhất. Trong Tết, các đền, chùa đều chật kín người tới dâng hương tỏ lòng thành kính với thần Phật và cầu nguyện may mắn, sức khỏe, tài lộc. Không chỉ vậy, không khí của đền chùa cũng giúp nhiều người tĩnh tâm hơn. 

 

Tảo mộ, đi lễ chùa cầu an

 

Tảo mộ là hoạt động dọn dẹp, sửa sang lại mộ phần của tổ tiên. Tục lệ này thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt. Qua đây, con cháu bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với những người đã khuất trong gia phả, đồng thời khấn xin sự che chở từ gia tiên. 
 

Thăm hỏi họ hàng, xóm giềng, bè bạn

 

Tết Nguyên Đán là dịp để mọi người đi thăm hỏi, chúc tụng nhau. Đặc biệt, những người đi xa xứ hay vì bộn bề cuộc sống mà lâu ngày không gặp mặt sẽ tranh thủ khoảng thời gian này. Các gia đình khi có khách tới thăm sẽ bày các món ăn nhẹ như chả lụa, nem rán, mứt Tết, hạt dưa,... để tỏ lòng hiếu khách. Những người đến chơi cũng sẽ hoặc là mang theo quà bánh, hoặc là lì xì lấy hên cho lớp trẻ. Tất cả tạo nên khung cảnh vô cùng đầm ấm và vui vẻ.

 

Du xuân

 

Nhiều gia đình hiện nay thích dành dịp Tết để cùng nhau đi du lịch xa gần. Họ sẽ tới tham quan các khu du lịch, danh thắng và di tích lịch sử. Nếu ngại đi xa, họ chỉ dắt nhau dạo khắp phố phường để tận hưởng bầu không khí dịu mát và khung cảnh tươi vui. Hoạt động này sẽ giúp các thành viên thấu hiểu và gắn kết với nhau hơn. Chưa hết, họ cũng sẽ có thêm kỷ niệm để kể lại mỗi lần sum họp dịp Tết đến xuân về. 

 

Du xuân

 

Tham gia các lễ hội Tết và sự kiện văn hóa, thể thao, văn nghệ

 

Dịp Tết ở Việt Nam là lúc diễn ra vô số hoạt động văn hóa, thể thao và lễ hội hấp dẫn. Các sự kiện đều mang đậm bản sắc và truyền thống độc đáo của đất nước. Bạn sẽ được hòa vào những đám rước linh đình, lễ dâng hương long trọng. Sau đó là nhiều chương trình giải trí như các hội thi, tiết mục biểu diễn văn nghệ đặc sắc,... Tại đây, du khách sẽ biết thêm được nhiều nét văn hóa, những truyền thuyết và tập tục lâu đời của người Việt. 

 

Bạn đã trải nghiệm tất cả các hoạt động không thể bỏ qua trong dịp Tết ở Việt Nam chưa? Tết Ất Tỵ 2025 không còn bao lâu nữa sẽ đến. Hãy lưu lại bài viết này để rủ mọi người trong gia đình cùng thực hiện cho một đầu năm rộn ràng nhé!