
10 Món Ăn Truyền Thống Cho Mâm Cỗ Tết Tròn Vị và Cách Chế Biến
Không còn bao lâu nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tại Việt Nam. Bạn đã nắm rõ cách chế biến những món ăn truyền thống dịp năm mới chưa? Nếu chưa, hãy tham khảo bài viết này để chuẩn bị mâm cỗ Tết ngon lành nhé!
Cách chế biến các món làm từ thịt cho ngày Tết
Gà luộc
Gà luộc là một trong những món ăn quen thuộc và dễ chế biến nhất trên mâm cỗ Việt. Trong dịp Tết, con gà luộc vàng ươm lại càng không thể thiếu. Bạn nên chọn gà ta hoặc gà trống để thịt dai và chắc hơn. Gà luộc thường được chặt thành miếng, chấm với muối tiêu chanh hoặc xé nhỏ để trộn gỏi.
Cách chế biến:
- Sơ chế bằng cách chà xát muối đều khắp con gà rồi rửa sạch vài lần và để ráo nước.
- Cho nước ngập khoảng 2/3 con gà, thêm một chút gừng đập dập, gia vị (muối, hạt nêm, đường).
- Nấu với lửa lớn, để sôi khoảng 5 phút rồi giảm lửa, đun thêm 15-20 phút. Để da gà căng mọng, bạn nên vớt ra và nhúng gà vào nước sôi để nguội.

Nem rán
Nguyên liệu làm nem rán cực kỳ đa dạng. Phổ biến nhất là thịt lợn/tôm, mộc nhĩ, cà rốt, miến, trứng gà, hành lá,... Món ngon giòn rụm ngày Tết này được nhiều người yêu thích. Nem rán thường được ăn với cơm, bún kèm xà lách, rau thơm và dưa leo.
Cách chế biến:
- Rửa sạch và băm nhuyễn tất cả nguyên liệu. Riêng mộc nhĩ và miến, bạn cần ngâm nước ấm một lúc cho nở mềm ra trước khi rửa và băm/cắt nhỏ.
- Trộn đều nguyên liệu, thêm 1-2 lòng đỏ trứng gà, gia vị (muối, hạt nêm, đường, tiêu) và ướp khoảng 15 phút.
- Làm ướt mặt bánh tráng/bánh đa nem (nếu cần), đặt vào một lượng nhân vừa đủ, cuộn chắc tay cho kín. Lặp lại cho đến khi hết nhân.
- Đặt chảo lên bếp, bật lửa lớn để làm nóng chảo. Đổ dầu ăn gần ngập chiếc nem. Chờ dầu sôi lăn tăn thì để lửa nhỏ rồi thả từng cuốn nem vào. Khi vỏ vàng giòn (2-3 phút), bạn lật nem và tiếp tục chiên cho đều màu, đẹp mắt.
- Pha nước chấm ăn kèm: Băm/nghiền nhỏ tỏi, ớt trộn với đường, nước cốt chanh và nước mắm rồi khuấy đều cho tan đường. Bạn cũng có thể chấm nem rán với tương ớt.

Thịt kho trứng
Món ăn truyền thống này vô cùng “bắt cơm” và luôn là một trong những món không thể thiếu dịp Tết.
Cách chế biến:
- Sơ chế và ướp thịt ba chỉ/thịt chân giò lợn: Rửa sạch bằng nước muối, cắt miếng vừa ăn. Nêm gia vị (đường, hạt nêm, tiêu, nước mắm, hành tím) theo sở thích. Ướp thịt trong khoảng 30 phút.
- Luộc trứng gà/vịt và bóc sạch vỏ.
- Làm nước màu: Cho 1-2 muỗng cà phê đường vào nồi, đun với lửa vừa. Khi đường chuyển sau màu nâu cánh gián thì thêm nửa chén nước, đun một chút cho đường tan hoàn toàn.
- Cho thịt đã ướp vào nước màu, nấu với lửa lớn tới khi thịt săn lại. Thêm 300ml nước dừa. Đậy kín nắp nồi, giảm lửa và tiếp tục đun trong 30 phút. Cho trứng vào nồi, đun tiếp trong 30 phút. Nếu nước cạn nhiều, bạn có thể cho thêm nước.

Thịt ngâm mắm
Đây là món ăn đặc trưng của ẩm thực Tết miền Trung. Ăn thịt ngâm mắm cùng cơm, xôi, bánh chưng hoặc cuốn bánh tráng với bún và rau đều vô cùng hấp dẫn.
Cách chế biến:
- Rửa sạch thịt ba chỉ, cắt khúc sao cho vừa với hũ thủy tinh bạn chuẩn bị.
- Luộc chín thịt với vài củ hành tím cắt lát và tiêu đen. Vớt thịt ra xả với nước sạch, để ráo.
- Đun 300g đường và 0.5l nước mắm, hớt bớt bọt trong lúc nấu. Để nguội hỗn hợp.
- Chần hũ thủy tinh bằng nước sôi, để ráo hoặc lau khô bằng khăn sạch.
- Cho thịt luộc vào hũ, thêm tỏi, ớt và tiêu xanh (nguyên vẹn), đổ hỗn hợp nước mắm. Đặt tại nơi thoáng mát trong 2-3 ngày là bạn đã có thể thưởng thức.

Cách chế biến các món làm từ gạo ngày Tết
Bánh chưng
Loại bánh Tết truyền thống này đã có từ rất lâu đời tại Việt Nam. Quây quần bên nồi bánh chưng lúc giao thừa là một hoạt động ấm cúng và thiêng liêng đối với nhiều gia đình. Nguyên liệu chính của bánh chưng là gạo nếp, đậu xanh và thịt mỡ. Để làm được chiếc bánh ngon và vuông vắn, bạn cần có kinh nghiệm cũng như đôi tay khéo léo.
Cách làm bánh chưng:
- Ngâm riêng gạo nếp và đậu xanh không vỏ với nước qua đêm hoặc ít nhất 5 tiếng. Sau đó, đổ ra rổ, để ráo nước, trộn đều với 1-2 muỗng cà phê muối.
- Ướp thịt ba chỉ với tiêu và muối.
- Xếp lá dong vào khuôn để dễ gói hơn, đổ gạo nếp vào, để lõm phần giữa, cho đậu xanh và thịt vào, rải thêm một lớp gạo nếp phủ lên.
- Gói bánh kín, dùng lạt mềm buộc lại. Tránh buộc chặt vì bánh sẽ nở ra trong lúc nấu.
- Đặt bánh vào nồi lớn, đổ ngập nước. Luộc từ 6-8 tiếng. Bạn nên chuẩn bị sẵn một nồi nước sôi để bổ sung kịp thời nếu nước cạn. Khi luộc bánh được nửa thời gian trên, bạn trở bánh, thay nước mới để bánh chín đều.
- Vớt bánh ra cho vào nước lạnh rồi để ráo. Dùng vật nặng đè lên trong vài giờ đồng hồ để ép nước và giúp bánh chưng phẳng, mịn.

Xôi gấc
Xôi gấc đỏ tươi tượng trưng cho may mắn dịp Tết đến xuân về. Nguyên liệu đơn giản, hương vị thơm ngon, hàm lượng vitamin A cao giúp món ăn này rất được ưa chuộng.
Cách nấu:
- Ngâm nếp với muối, để 5 tiếng hoặc qua đêm.
- Tách thịt quả gấc khỏi hạt trộn với gạo nếp và một chút muối. Có thể thêm nước cốt dừa cho thơm và ngậy.
- Hấp xôi trong 40-45 phút.

Cách chế biến các món canh ngày Tết
Canh khổ qua nhồi thịt
Món canh này tuy đắng nhưng bổ dưỡng và giải nhiệt tốt nên được nhiều gia đình bày biện cho mâm cỗ Tết. Ngoài ra, khổ qua còn mang ý nghĩa bỏ qua những điều kém may, đón niềm vui năm mới.
Cách chế biến:
- Cắt đôi trái khổ qua, dùng muỗng lấy sạch ruột. Ngâm khổ qua trong nước lạnh 15 phút cho bớt đắng. Nếu không thích cắt đôi, bạn có thể để nguyên trái nhưng rạch một đường dọc theo thân khổ qua và loại bỏ phần ruột.
- Cắt nhỏ nấm mèo (đã ngâm nở, rửa sạch), hành tím, tỏi, hành lá, trộn đều với thịt bằm và gia vị.
- Nhồi chặt nhân vào trái khổ qua. Đun nước sôi rồi thả khổ qua vào, nêm nếm theo khẩu vị gia đình. Nấu trên lửa nhỏ khoảng 30 phút nữa cho mềm nhừ.

Canh măng chân giò
Món canh vừa ngon vừa bổ này sẽ giúp mâm cỗ Tết của bạn thêm tròn vị và hấp dẫn. Chân giò béo ngậy được hầm mềm ăn cùng măng tươi dai sần sật, chan thêm nước dùng đậm đà, ăn cùng cơm hay bún đều là tuyệt phẩm.
Cách chế biến:
- Đun nước sôi, thêm muối và giấm rồi cho giò heo vào chần trong 3 phút.
- Vớt chân giò ra, để ráo, ướp nước mắm và tiêu trong 15 phút.
- Luộc măng tươi qua vài nước cho tới khi nước không còn màu vàng để loại bỏ độc tố. Vớt măng, để ráo nước rồi xé thành sợi nhỏ.
- Phi hành tím trong chảo dầu và cho măng vào xào khoảng 5 phút.
- Đặt chân giò lên măng, đổ nước vừa đủ, hầm từ 45-60 phút và nêm nếm theo khẩu vị.

Cách chế biến các món giải ngấy ngày Tết
Dưa hành
Đây là món ăn kèm giúp giải ngán hiệu quả trong dịp Tết của các gia đình Việt. Dưa hành có vị chua dịu, giòn giòn cũng giúp kích thích tiêu hóa tốt hơn.
Cách làm dưa hành:
- Ngâm củ hành tím trong nước khoảng 2 tiếng, cắt gốc và lột bỏ, rửa sạch, để ráo và phơi nắng 1 tiếng.
- Gọt vỏ cà rốt, rửa sạch, cắt lát. Rửa sạch ớt và để ráo nước.
- Pha hỗn hợp 300gram đường, 50gram muối và 500ml giấm rồi khuấy đều.
- Cho tất cả nguyên liệu vào hũ thủy tinh, đổ ngập hỗn hợp dung dịch trên. Giữ nguyên liệu luôn chìm trong nước bằng vật nặng.
- Ngâm khoảng 2 ngày.
Dưa giá
Một món giải ngấy và giải nhiệt ngày Tết siêu đơn giản khác chính là dưa giá. Món này thường được ăn kèm thịt kho tàu, bánh chưng hoặc cuốn bánh tráng.
Cách làm:
- Rửa sạch nguyên liệu. Bào sạch vỏ cà tốt, cắt sợi. Cắt hẹ thành khúc. Lột vỏ hành tím và cát lát mỏng.
- Đun sôi hỗn hợp 1l nước, 1 muỗng canh muối và 2 muỗng canh đường rồi để nguội.
- Cho nguyên liệu vào hũ thủy tinh sạch rồi đổ hỗn hợp nước trên vào, đậy kín nắp, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát khoảng 1 ngày là bắt đầu ăn được.

Trên đây là khái quát cách chế biến 10 món ngon ngày Tết cho mâm cỗ tròn vị. Việt Nam còn rất nhiều món ăn truyền thống tuyệt vời khác cho dịp đầu xuân. Visit Vietnam Tours sẽ giới thiệu tới các bạn trong các bài viết sau. Theo dõi chúng tôi để chuẩn bị cho bữa cơm Tết hoàn hảo nhé!