selection-banner

Các Biểu Tượng Truyền Thống Ngày Tết Việt Nam Có Ý Nghĩa Gì?

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống quan trọng và linh đình nhất trong đời sống văn hóa của người Việt. Mỗi dịp Tết, các biểu tượng quen thuộc lại xuất hiện, vẽ nên bức tranh đa sắc và độc đáo. Bạn đã biết hết ý nghĩa của bánh chưng, bánh dày, hoa đào, hoa mai, câu đối đỏ,... chưa? Hãy cùng khám phá trong bài viết này nhé!

 

Bánh chưng - Món bánh biểu tượng của Tết Việt 

 

Bánh chưng là một trong những biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Món bánh này mang ý nghĩa tượng trưng cho đất, mong cầu mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ và gia vị. Bánh được gói trong lá chuối hoặc lá dong, buộc lạt, nấu trong nhiều tiếng đồng hồ.

 

Trước Tết, nhiều gia đình Việt thường quây quần bên nhau, tất bật gói bánh và canh bếp lửa. Do đó, nấu bánh chưng là hoạt động giúp mọi người gắn kết và chia sẻ với nhau nhiều hơn.  

 

Bánh chưng - Món bánh biểu tượng của Tết Việt

 

Ngoài bánh chưng, bánh dày là một loại bánh truyền thống nổi tiếng khác trong ngày Tết. Bánh dày làm từ gạo nếp được đồ lên, giã nhuyễn và tạo hình khum khum, tượng trưng cho bầu trời. 

 

Tương truyền, bánh chưng, bánh dày xuất hiện từ thời Vua Hùng thứ 6, được hoàng tử Lang Liêu dâng lên theo mệnh lệnh của vua cha. Hai thứ bánh đại diện cho trời và đất, tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, gắn kết con người với vạn vật. Nhờ món ăn đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa, chàng đã được nối ngôi và trở thành vị Vua Hùng thứ 7. 

 

Mâm ngũ quả: Biểu tượng ngày Tết độc đáo ở Việt Nam 

 

Mâm ngũ quả được coi là biểu tượng của may mắn và sung túc. Tùy từng vùng miền mà 5 loại quả được bày biện trên mâm có thể khác nhau nhưng đều mang cùng ý nghĩa. Đó là thể hiện lòng tôn kính, biết ơn với tổ tiên, trời đất cũng như cầu xin một năm mới an lành, tài lộc. Mâm ngũ quả cũng là vật trang trí quan trọng trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp Tết. 

 

Lì xì: Mừng tuổi trẻ em, chúc tuổi người lớn dịp Tết 

 

Vào 3 ngày Tết chính thức, người lớn sẽ trao những bao lì xì đỏ chứa những tờ tiền mới cho trẻ em. Họ cũng có thể lì xì cho những người lớn tuổi như lời chúc sức khỏe và may mắn. Hành động này mang lại niềm vui và biểu hiện cho sự sẻ chia và phóng khoáng trong xã hội Việt Nam. Những lời chúc tụng, tiếng cười nói rộn ràng và bao lì xì đỏ rực khiến không khí Tết thêm tưng bừng. 

 

Lì xì: Mừng tuổi trẻ em, chúc tuổi người lớn dịp Tết

 

Việc để tiền trong bao lì xì còn hàm ý cho sự kín đáo, tránh những so bì và tị nạnh không đáng có đầu năm. Trong văn hóa Việt, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng nên bao lì xì thường có màu đỏ với họa tiết bắt mắt. 

 

Hoa mai, hoa đào, cành quất cho ngày Tết thêm rực rỡ 

 

Để trang hoàng nhà cửa đón Tết, các gia đình miền Nam thường trưng mai vàng, còn miền Bắc dùng hoa đào. Hoa mai là biểu tượng truyền thống đại diện cho sức sống tươi mới, sự giàu có và phồn thịnh. Chậu hoa mai thường được đặt ở cổng nhà hoặc trong phòng khách, gần bàn thờ tổ tiên. Hoa đào cũng mang cùng một ý nghĩa với hoa mai. Màu hồng đẹp mắt của hoa đào là biểu tượng của may mắn và phồn vinh.    

 

Bên cạnh đó, những chậu quất kiểng cũng là một biểu tượng phổ biến trong Tết. Loài cây này mang ý nghĩa trường thọ, tài lộc và phú quý. 

 

Hoa mai, hoa đào, cành quất cho ngày Tết thêm rực rỡ

 

Cây nêu có nhiều ý nghĩa trong ngày Tết cổ truyền 

 

Cây nêu thường là thân tre dài, được dựng thẳng trước nhà và treo thêm các vật trang trí như chuông, bùa trừ tà, đèn lồng, cá chép giấy, cờ phướn,... Người Việt Nam quan niệm rằng cây nêu sẽ dẫn đường cho tổ tiên về đón Tết cùng con cháu, vừa bảo vệ gia đình bình an, vừa xua đuổi tà ma quấy nhiễu. Ngày nay, cây nêu dần ít xuất hiện hơn trong các gia đình Việt vào dịp Tết. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những biểu tượng truyền thống độc đáo của dân tộc ta. 

 

Câu đối đỏ: Lời chúc tốt đẹp cho dịp đầu năm 

 

Treo câu đối Tết là thú vui tao nhã của nhiều người Việt ngày Tết. Đây cũng là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời ở Việt Nam. Câu đối thường dưới dạng thơ đối vần, đối nghĩa, là chữ thư pháp viết tay trên giấy màu đỏ. Câu đối ngắn gọn, có liên kết với nhau và là những lời chúc tốt đẹp, đầy ý nghĩa. Bạn có thể mua chữ hoặc xin chữ từ các thầy đồ tại các khu chợ truyền thống. 

 

Câu đối đỏ: Lời chúc tốt đẹp cho dịp đầu năm

 

Mâm cỗ tất niên - Biểu tượng sum vầy dịp Tết 

 

Với những người học tập, sinh sống và làm việc xa nhà, Tết là dịp để về đoàn tụ cùng gia đình. Mâm cơm tất niên thường được chuẩn bị vào ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp tùy năm. Khi mọi việc đã xong xuôi, cả gia đình sum họp bên nhau ăn uống, chuyện trò và đón giao thừa. Bữa cơm có nhiều món ăn truyền thống ngày Tết Việt như bánh chưng, giò lụa, gà luộc, thịt kho, nem rán, dưa hành, canh khổ qua/bóng bì,... tùy vùng miền. 

 

Mâm cỗ tất niên - Biểu tượng sum vầy dịp Tết

 

Mứt Tết: Không chỉ là thức quà vặt đơn thuần 

 

Vào dịp Tết, mỗi gia đình sẽ bày biện một khay đồ ăn vặt để tiếp đón khách tới chơi nhà. Trong đó, mứt Tết là một trong những món truyền thống không thể vắng mặt. Các loại mứt rất đa dạng với đủ màu sắc như mứt gừng, mứt bí, mứt khoai, mứt dừa, mứt cam,... Tất cả đều có hương vị thơm ngon, chứa đựng ý nghĩa tượng trưng cho sự ngọt ngào và hạnh phúc. Mứt Tết giống như chất xúc tác giúp các cuộc hàn huyên giữa người với người thêm đậm đà đầu năm mới. 

 

Ngoài mứt, người Việt còn chuẩn bị thêm các loại ô mai (xí muội), bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí, v.v. Trẻ em lẫn người lớn có thể thưởng thức cùng với trà hoặc nước ngọt khi tới thăm nhà nhau. 

 

Mứt Tết: Không chỉ là thức quà vặt đơn thuần

 

Những biểu tượng truyền thống Tết ở Việt Nam vô cùng đặc sắc và phong phú. Mỗi đồ vật, mỗi món ăn đều mang trên mình những ý nghĩa tốt đẹp trước thềm năm mới. Dịp Tết sắp tới, hãy nhìn ngắm và đón nhận mọi thứ với lòng biết ơn và phấn khởi nhé!