
Các Lễ Hội Tết Mang Đậm Bản Sắc Dân Tộc Việt Nam
Bên cạnh Tết Nguyên đán, dịp lễ quan trọng và dài ngày của Việt Nam, còn có nhiều lễ hội Tết đặc sắc khác cũng không kém phần linh đình. Tất cả đều phản ánh đời sống tinh thần và dấu ấn văn hóa đa dạng của người Việt. Cùng tìm hiểu xem bạn biết được bao nhiêu trong số các lễ hội Tết được liệt kê dưới đây nhé!
Tết Nguyên đán: Lễ hội Tết cổ truyền của Việt Nam
Tết Nguyên đán (hay Tết Âm lịch hay Tết Ta) là lễ hội lớn nhất ở Việt Nam. Sự kiện này cũng được tổ chức ở các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, v.v. Kỳ nghỉ Tết ở Việt Nam thường kéo dài từ 28 tháng Chạp tới mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Ba ngày lễ chính là mùng 1, 2 và 3.
Tết là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, chúc tụng, mừng tuổi nhau và tưởng nhớ tới tổ tiên, cội nguồn. Mọi người cũng sẽ nhìn lại năm vừa qua và cầu mong một năm mới tràn đầy hy vọng. Các phong tục truyền thống lâu đời vẫn được gìn giữ gồm cúng bái, đón giao thừa, gói bánh chưng, phát lì xì, đi chúc Tết, lễ chùa, trang trí nhà cửa với hoa mai, hoa đào,...

Trước đó, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch (Tết ông Công, ông Táo), các gia đình sẽ bày mâm cỗ để tiễn hai vị thần cai quản nhà cửa, bếp núc về trời.
Nhờ kỳ nghỉ dài và chất lượng cuộc sống gia tăng, họ còn tranh thủ dịp Tết để cùng đi du lịch để khám phá thế giới và thêm gắn bó với nhau hơn.
Tết Thanh Minh trong tiết tháng Ba
Diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm, Tết Thanh Minh là dịp để các gia đình tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo với tổ tiên. Các hoạt động chính là đi tảo mộ, thắp hương, đốt vàng mã và cúng gia tiên. Lễ cúng gia tiên trong dịp Tết Thanh Minh thường có mâm cỗ gồm các món ăn truyền thống và quen thuộc của người Việt như bánh chưng, xôi, thịt heo, gà luộc,...
Tết Nguyên Tiêu
Tết Nguyên Tiêu (hay Tết Thượng Nguyên) diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Một trong những lễ hội Tết Nguyên tiêu nổi bật nhất Việt Nam được tổ chức tại Hội An. Bên cạnh nghi lễ cúng sao giải hạn, mọi người còn có thể tham gia thắp đèn lồng và thả đèn hoa đăng. Không khí lễ hội Tết sôi động này thu hút ngày càng nhiều du khách tới trải nghiệm.

Ngoài ra, Tết Nguyên tiêu còn được tổ chức hoành tráng ở khu phố người Hoa tại Quận 5, TP.HCM cũng trong ngày rằm tháng Giêng. Bạn sẽ được hòa mình vào đoàn diễu hành nghệ thuật sôi nổi cùng hơn 20 Hội - Đoàn người Hoa.
Tết Trung Nguyên
Lễ hội này còn được biết đến là lễ Vu Lan báo hiếu và lễ xá tội vong nhân. Vào ngày 15/7 âm lịch, mọi người sẽ thể hiện tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ cũng như tưởng nhớ về tổ tiên đã khuất. Bên cạnh đó, rằm tháng 7 còn được xem là ngày địa ngục mở cửa, xá tội cho các linh hồn vất vưởng được siêu thoát tới một kiếp sống mới. Các hoạt động thường thấy trong dịp Tết Trung Nguyên ở Việt Nam là đi lễ chùa và cúng bái tại gia.
Tết Trung Thu: Trẻ em rước đèn đi khắp phố phường
Tết Trung Thu là một trong những lễ hội Tết đặc sắc nhất Việt Nam. Vào rằm tháng 8 âm lịch, mọi người sẽ quây quần phá cỗ, ăn bánh trung thu, uống trà, trông trăng và tận hưởng thời gian bên nhau. Đặc biệt, trẻ em sẽ rủ nhau đi rước đèn lồng đủ màu sắc. Các hoạt động văn nghệ, múa lân,... càng góp phần làm cho không khí lễ hội thêm tưng bừng.

Tết Đoan Ngọ diệt trừ sâu bọ
Ngày 5/5 âm lịch là thời gian diễn ra lễ hội Tết Đoan Ngọ (hay Tết giết sâu bọ, Tết Đoan Dương). Người ta quan niệm đây là thời điểm cây cối bắt đầu đơm hoa kết trái nên tổ chức lễ hội để mong mùa màng bội thu, không bị sâu bọ phá hoại.
Vào dịp này, các gia đình thường cùng nhau làm bánh, cúng gia tiên và sum vầy bên nhau. Các loại trái cây có vị chua, rượu nếp cẩm, cơm rượu, bánh tro,... là những thức ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ nhằm xua đuổi bệnh tật.

Lễ hội chùa Hương - Sự kiện lớn hàng đầu miền Bắc Việt Nam
Lễ hội này được tổ chức tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội từ mùng 6 Tết tới hết tháng 3 âm lịch. Vào dịp này, mọi người có thể ghé thăm chùa Hương để bái Phật, cầu an. Ngày 4/1 âm lịch, trước khi khai hội, phần lễ sẽ diễn ra vô cùng long trọng. Đoàn tế gồm hàng trăm người sẽ rước hai quả pháo lớn từ nhà đám trưởng ra đình. Theo sau đó là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa thể thao sôi động.

Lễ hội Cầu Ngư đặc trưng của vùng biển Việt Nam
Đây là nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Lễ hội thường được tổ chức trong tháng Giêng âm lịch nhằm bày tỏ lòng tôn kính tới các bậc tiền nhân và cầu cho mưa thuận gió hòa, đi biển thuận lợi. Lễ hội Cầu Ngư nổi tiếng nhất là ở Thanh Khê, Đà Nẵng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia.
Tại lễ hội, phần lễ với các bàn tế được bày biện trang nghiêm, chủ trì bởi các bô lão được tín nhiệm. Tới phần hội, nhiều hoạt động dân gian, văn hóa nghệ thuật thu hút sự tham gia của đông đảo người dân lẫn khách du lịch. Ngoài Đà Nẵng, các tỉnh như Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa,... cũng tổ chức lễ hội Cầu Ngư.

Tết nhảy: Văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao
Vào tháng Chạp hoặc tháng Giêng âm lịch, cộng đồng dân tộc Dao sẽ tổ chức Tết nhảy. Lễ hội Tết này diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc Việt Nam như Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên,...
Sự kiện sôi nổi với nhiều tập tục và nghi lễ độc đáo. Không chỉ cúng bái tổ tiên, người dân còn tham gia múa truyền thống như múa cờ, múa kiếm, múa chuông, v.v. Những điệu nhảy mang ý nghĩa đón chào năm mới, xua vận rủi, thể hiện sự mạnh mẽ của trai tráng và nét mềm mại của phụ nữ Dao. Suốt đêm, các gia đình, dòng họ sẽ cùng ăn uống, hát hò, nhảy múa rộn rã bên đống lửa.

Lễ hội núi Bà Đen
Tới Tây Ninh trong tháng Giêng âm lịch, bạn sẽ có thể tham gia lễ hội núi Bà Đen linh đình. Ngày chính hội diễn ra từ ngày 15-18/1 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội Tết lớn nhất miền Nam Việt Nam. Người dân lẫn du khách từ khắp nơi quy tụ để hành hương, cầu bình an và công danh sự nghiệp. Ngoài lễ cúng bái trang trọng, bạn còn được hòa mình vào nhiều hoạt động vui chơi và du lịch hấp dẫn.

Trên đây chỉ là 10 trong rất nhiều lễ hội Tết đặc sắc tại Việt Nam. Điểm chung là các nghi thức thờ cúng, kính nhớ tổ tiên, mong cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc và các hoạt động dân gian. Các lễ hội phản ánh bản sắc văn hóa riêng biệt của người Việt Nam cũng như những giá trị tinh thần đậm chất Á đông. Đây cũng là điều khiến không ít du khách trong và ngoài nước ấn tượng, muốn một lần được trải nghiệm.