
Các lễ hội Việt Nam du khách không thể bỏ lỡ
Lễ hội Việt Nam mang nhiều nét đặc trưng với những truyền thống có một không hai. Nếu thích tìm hiểu văn hóa địa phương, du khách chớ nên bỏ qua các lễ hội độc đáo dưới đây.
Tết nguyên đán

Đây là mùa lễ hội quan trọng và dài hơi nhất của Việt Nam. Tết chính thức diễn ra trong 3 ngày đầu tiên của năm âm lịch. Tuy nhiên, đa phần mọi người bắt đầu nghỉ từ 28/12 tới hết mùng 5/1 âm lịch.
Du lịch Việt Nam trong dịp này, du khách sẽ trải nghiệm bầu không khí khác hẳn ngày thường ở cả 3 miền. Người ta trang trí nhà cửa, đường phố lộng lẫy. Biểu tượng con vật thuộc 12 con giáp đại diện cho một năm xuất hiện khắp nơi. Các sự kiện bắn pháo hoa và âm nhạc cũng được tổ chức, thu hút rất nhiều người dân lẫn du khách.
Nhân lễ hội này, mọi người sẽ đoàn tụ cùng gia đình, họ hàng. Họ tặng nhau những lời chúc tốt đẹp, lì xì cho trẻ em và thực hiện các nghi lễ truyền thống.
Lễ hội đền Hùng
Nhắc đến lễ hội ở Việt Nam thì không thể bỏ qua lễ hội đền Hùng (hay Giỗ tổ Hùng Vương). Đây là ngày lễ truyền thống thường niên nhằm tưởng nhớ 18 vị vua Hùng đã có công lập nước. Họ được coi là những vị vua đầu tiên của đất Việt. Lễ hội đền Hùng diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm tại Việt Trì, Phú Thọ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1). Ngoài ra, năm 2012, UNESCO cũng công nhận đây là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội đền Hùng thường bắt đầu trước ngày lễ chính khoảng một tuần với nhiều hoạt động sôi nổi. Du khách sẽ được hòa mình vào các trò chơi dân gian (cồng chiêng, trống đồng, gói và nấu bánh chưng, kéo co, thi vật,...) và biểu diễn nghệ thuật (ca trù, hát xoan,...).
Tới ngày 10/3 âm lịch, lễ hội sẽ đi đến hồi kết với phần tế lễ, rước kiệu và dâng hương. Vật tế lễ gồm mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh dày, bò, lợn,... Đám rước kiệu xuất phát từ chân núi, đi qua các ngôi đền và tới đền Thượng. Tại đây, lễ dâng hương sẽ diễn ra. Người ta sẽ đốt những nén hương để bày tỏ lòng biết ơn và gửi những lời thỉnh cầu tới tiên tổ.

Hội Lim
Hội Lim diễn ra từ ngày 12 đến 14/1 âm lịch hàng năm tại tỉnh Bắc Ninh. Vào ngày lễ chính (13/1), phần mở đầu là lễ rước long trọng. Đoàn rước mặc những bộ lễ phục xưa cầu kỳ, đủ màu sắc, thực hiện các nghi thức thờ thần. Bên cạnh lễ rước là phần hội gồm các trò chơi dân gian đặc sắc như đấu cờ, đấu vật, thi dệt cửi, hát hội, hát quan họ,...
Trong đó, hát dân ca quan họ là một nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Việt. Lối hát giao duyên này là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam.
Đến với hội Lim, không chỉ du khách quốc tế mà ngay cả khách nội địa cũng thích thú trước những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Hội Gióng

Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) là một trong bốn vị thánh tứ bất tử lừng danh theo tín ngưỡng Việt Nam. Hội Gióng diễn ra từ mùng 7-9/4 âm lịch tại đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nơi Thánh Gióng chào đời. Còn Hội Gióng ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được tổ chức từ ngày 6-8/1 âm lịch. Tương truyền, chân núi Sóc là nơi Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh tan giặc ngoại xâm. Ngoài hai Hội Gióng chính thống trên, các Hội Gióng khác cũng được tổ chức ở nhiều nơi tại Hà Nội.
Lễ hội được chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức rất linh đình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Những người tham gia diễn xướng tại Hội Gióng được tuyển lựa cẩn thận. Các nghi thức truyền thống bao gồm lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre,...
Tháng 11/2020, Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Lễ hội Tháp Bà Ponagar còn được gọi là lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay lễ vía Bà. Đây là lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm. Lễ hội thường được tổ chức tại quần thể di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang, dấu ấn của Vương quốc Champa cổ. Nữ thần Ponagar (tên đầy đủ là Yang Po Inư Nagar) đã dạy người dân cách trồng lúa, chăn nuôi và dệt vải. Vì vậy, mỗi năm, họ sẽ tổ chức lễ hội để tỏ lòng thành kính, xin được che chở và ban phước.
Nếu tới Nha Trang vào khoảng 20-23/3 âm lịch, du khách có thể trải nghiệm sự kiện quy mô lớn này. Các hoạt động thú vị tại đây có thể kể đến như lễ thay y Mẫu, dâng hương lễ Mẫu, lễ thả hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an, múa cổ truyền Chăm, v.v.
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ
Lễ hội 110 tuổi này diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Năm 2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận đây là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là truyền thống của ngư dân huyện Cần Giờ, TP.HCM. Họ tổ chức lễ hội để cầu cho những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió và cuộc sống ấm no.
Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM nằm giáp biển. Nơi đây còn có rừng ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng. Du khách có thể ghé thăm vùng đất đặc biệt này kết hợp tham gia lễ hội Nghinh Ông đặc sắc.

Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam
Được công nhận là lễ hội cấp quốc gia, lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ 22-27/4 âm lịch tại Châu Đốc, An Giang. Sự kiện này thể hiện dấu ấn văn hóa miền Tây sông nước của Việt Nam.
Lễ hội ra đời nhằm tri ân vị thần được phái xuống trần gian để cứu nhân độ thế. Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam gồm nhiều nghi thức như lễ khai hội, lễ tắm Bà, Túc yết, lễ xây chầu, Chánh tế,... Chưa hết, khách tham gia còn có thể thả đèn hoa đăng, xem triển lãm nghệ thuật, v.v.
Trên đây là một vài cái tên tiêu biểu trong các lễ hội Việt Nam mang đậm truyền thống dân tộc. Những truyền thống, tín ngưỡng này đã tồn tại hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Du khách sẽ tìm hiểu và khám phá được nhiều điều về văn hóa bản địa và lịch sử của nước Việt thông qua các lễ hội.

Liên hệ Visit Vietnam Tours để lên kế hoạch cho chuyến đi trong mơ tới Việt Nam ngay hôm nay nhé!