
Top 10 Món Ăn Truyền Thống Không Thể Thiếu Trong Tết Việt
Tết Nguyên Đán là dịp các gia đình đoàn tụ bên nhau đón chào năm mới. Giữa không khí ấm cúng ấy, không thể thiếu những món ăn truyền thống hấp dẫn. Cùng điểm danh những món ngon đặc trưng ngày Tết của Việt Nam nhé!
Bánh chưng
Cái tên đầu tiên không thể không nhắc tới chính là bánh chưng với lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam. Bánh chưng có hình vuông, gói bằng lá dong. Nhân bánh kết hợp hài hòa giữa gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và mỡ béo ngậy. Món ăn này tôn vinh tầm quan trọng của cây lúa nước và thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, đất trời.

Ngày nay, không ít gia đình vẫn cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, gói và hấp bánh chưng trước khi tới đêm Giao thừa. Quây quần bên bếp lửa canh nồi bánh là một trong những khoảnh khắc đầm ấm nhất trong dịp Tết. Bánh chưng thường được ăn kèm dưa hành, củ kiệu hoặc chế biến lại bằng cách chiên vàng giòn.
Bánh tét
Bánh tét được làm từ nguyên liệu tương tự bánh chưng, chỉ khác là được gói thành đòn hình trụ và bằng lá chuối. Món ăn truyền thống này thường xuất hiện nhiều ở miền Nam Việt Nam. Bánh tét có 2 loại gồm nhân mặn và nhân ngọt (chuối hoặc đậu đỏ). Người ta thường ăn kèm với dưa món. Không chỉ ngày Tết, bánh tét vẫn được bày bán quanh năm và là bữa sáng quen thuộc với nhiều gia đình.

Gà luộc
Tuy đơn giản nhưng gà luộc lại chính là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mọi mâm cỗ, tiệc, cúng giỗ của người Việt. Trong dịp Tết Nguyên Đán, những con gà ngon nhất sẽ được luộc chín, buộc cánh và bày biện đẹp mắt trên bàn thờ. Món ăn này tượng trưng cho sự viên mãn và ấm no. Khi gia đình có khách ghé chơi, gia chủ cũng thường thể hiện sự hiếu khách bằng món gà luộc da vàng ươm, thịt thơm, vừa dai vừa mềm.

Dưa hành, củ kiệu
Việt Nam có rất nhiều món muối chua làm từ củ hành, củ kiệu, dưa cải, cà rốt, dưa leo,... Giòn giòn và mang vị chua dịu, đây là những món ăn kèm truyền thống phổ biến trong mâm cơm ngày Tết. Dưa hành sẽ giúp mọi người chống ngán hiệu quả trong lúc thưởng thức các món béo ngậy khác. Ngoài ra, các món muối chua còn làm phong phú hương vị bữa ăn, hỗ trợ hệ tiêu hóa, chuyển hóa chất béo,...

Giò lụa, giò thủ
Giò lụa (hay chả lụa) thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn thường nhật lẫn dịp Tết của người Việt. Nguyên liệu chính của món truyền thống này là thịt heo nạc xay/giã nhuyễn trộn gia vị. Giò lụa được gói bằng lá chuối và có hạn sử dụng khá dài. Chúng ta chỉ cần thái miếng vừa ăn và bày ra đĩa rất tiện lợi. Giò lụa ăn kèm với cơm, xôi, bánh mì, bánh chưng,... đều vô cùng ngon lành.
Thay thịt nạc bằng thịt đầu heo, trộn thêm tai heo, mộc nhĩ và gia vị rồi đem xào, ta sẽ có món giò thủ. Người ta cũng gói giò thủ trong lá chuối, buộc lạt chặt và hấp cách thủy. Cách ăn cũng giống như giò lụa. Khi giò nguội, bạn nên bảo quản trong tủ lạnh để giữ món ăn tươi ngon lâu hơn.

Thịt kho tàu
Đây là một món ăn truyền thống dịp Tết cực kỳ “đưa cơm”. Những miếng thịt heo nửa nạc nửa mỡ được ninh mềm cùng trứng gà/vịt trong nồi nước dùng sóng sánh màu nâu đẹp mắt. Nhiều gia đình còn cho nước dừa để món thêm phần ngọt ngào. Thịt kho tàu càng được đun lâu hoặc đun lại lần 2, lần 3 thì càng đậm đà. Món này ăn kèm với cơm thì quả là mỹ vị nhân gian! Tuy nhiên, vì khá dễ ngấy nên nhiều người sẽ ăn chung với rau hoặc dưa món để cân bằng.

Nem rán (chả giò chiên)
Đây là một trong những món cuốn lừng danh của Việt Nam, được khách nước ngoài cực kỳ yêu thích. Dĩ nhiên, bởi ngay cả người Việt cũng không thể khước từ vị ngon của nem rán. Trong dịp Tết Nguyên Đán lẫn các bữa tiệc, nem rán chính là món ăn truyền thống khó có thể vắng mặt.
Nguyên liệu làm nem rán rất đa dạng. Cơ bản nhất là gồm thịt heo, mộc nhĩ, trứng, miến, cà rốt, hành lá, gia vị,... được cuốn trong bánh tráng và chiên vàng giòn. Bạn cũng có thể dùng nhân hải sản hoặc nguyên liệu thuần chay. Hãy pha thêm một bát nước chấm chua ngọt và ăn kèm rau sống nhé!

Xôi gấc
Gạo nếp được nấu cùng thịt quả gấc nên xôi gấc cũng có màu đỏ tươi nịnh mắt. Trong văn hóa Việt, màu đỏ tượng trưng cho may mắn. Do đó, ăn xôi gấc dịp Tết Nguyên Đán cũng là để cầu một năm mới thịnh vượng và nhiều niềm vui. Món ăn truyền thống này vừa thơm ngon lại bổ dưỡng với hàm lượng vitamin A cao. Bạn có thể ăn xôi không hoặc kèm với giò lụa, nem rán,... tùy sở thích.

Khổ qua nhồi thịt
Trái khổ qua (hay mướp đắng) được người Việt gửi gắm mong muốn bỏ qua những khổ ải và điều xui rủi. Vì vậy, món canh khổ qua nhồi thịt và mộc nhĩ cũng thường được bày trong bữa cơm ngày Tết. Chưa hết, món truyền thống này còn có tác dụng giải nhiệt, rất tốt cho sức khỏe. Dịp Tết, nếu ăn quá nhiều đồ có tính nóng, canh khổ qua sẽ là “cứu tinh” của bạn đấy!
Bánh mứt truyền thống dịp Tết
Trong dịp Tết Nguyên Đán, mỗi gia đình đều bày sẵn một khay đồ ăn vặt gồm bánh mứt, ô mai, các loại hạt (dưa, bí, hướng dương, điều,...). Cả nhà sẽ bên nhau cùng chuyện trò và nhâm nhi đủ loại hương vị. Những vị khách tới chơi cũng đều được mời những món ăn này.
Mứt Tết dai dai, ngọt ngào, ô mai chua và mặn, các loại hạt thơm bùi cắn nghe lách tách vui miệng, vui tai, tất cả đều khiến cho không khí ngày Tết thêm rộn ràng và trọn vị. Người lớn thường thưởng thức những món ngon truyền thống này cùng tách trà nóng, còn trẻ em lại thích mê một ly nước ngọt có ga.

Có thể thấy mâm cơm của người Việt vô cùng phong phú, thể hiện văn hóa ẩm thực có một không hai. Bên cạnh 10 món ăn truyền thống phổ biến nhất dịp Tết Nguyên Đán nêu trên, Việt Nam còn vô số món ngon đặc sắc khác ở khắp 3 miền. Trong đó, có những món mà ngay cả người Việt cũng chưa từng nếm thử. Theo dõi Visit Vietnam Tours để biết thêm nhiều thông tin thú vị nhé!