selection-banner

Top Những Phiên Chợ Tết Độc Đáo Trên Khắp Việt Nam

Các phiên chợ Tết không chỉ là nơi giao thương mà còn là không gian giao lưu văn hóa của người Việt. Thông thường, người dân chỉ muốn lấy lộc đầu năm và không quá quan trọng lãi hay lỗ tại các phiên chợ này. 

 

Dù có bao nhiêu siêu thị và cửa hàng tiện lợi mọc lên, những khu chợ vẫn tồn tại và tấp nập người mua kẻ bán. Đây là nơi gắn bó với cuộc sống thường nhật của nhiều thế hệ. Đặc biệt, đi chợ phiên vào dịp Tết từ lâu đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam. Bên cạnh cầu may mắn, hanh thông, họ còn coi hoạt động này như một thú vui mỗi độ xuân về. Sau đây là những phiên chợ truyền thống Tết từ vùng đồng bằng tới vùng cao Việt Nam. 

 

Chợ phiên xứ Đoài, Hà Nội 

 

Chợ phiên xứ Đoài còn được gọi với cái tên dân dã là chợ Nủa. Phiên chợ diễn ra tại xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 20km. Du khách tới đây có thể thấy rõ nét thôn quê đồng bằng Bắc Bộ ngay chốn kinh kỳ. Đây được coi là một trong những phiên chợ Tết Việt gìn giữ được nhiều nét truyền thống nhất.

 

Không chỉ dịp Tết, chợ Nủa còn họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22 và 27 âm lịch hàng tháng. Phiên chợ thường mở từ tờ mờ sáng tới khoảng 1 giờ chiều, nhộp nhịp nhất vào những ngày cuối năm. Chợ bày bán sản phẩm của các làng nghề địa phương và sản vật do chính người dân tạo ra từ quá trình trồng trọt, chăn nuôi.  

 

Chợ phiên xứ Đoài, Hà Nội

 

Phiên chợ Viềng, Nam Định

 

Nam Định có tới 4 phiên chợ Viềng nhưng nổi tiếng nhất là chợ ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Chỉ diễn ra từ khuya mùng 7 đến hết mùng 8 Tết nhưng phiên chợ cầu may này vẫn thu hút đông đảo khách tứ xứ. 

 

Các mặt hàng ở chợ Viềng gồm thịt trâu, bò, cây giống, cây kiểng, nông cụ, đồ cúng bái,... và cả đồ cũ được thanh lý. Mục đích họp chợ chỉ để “mua may, bán rủi” dịp Tết. Do đó, người bán không nói thách, người mua không mặc cả để hoan hỷ đón tài lộc đầu xuân. 
 

Chợ Âm Dương, Bắc Ninh

 

Phiên chợ Âm Dương (hay chợ Gà, chợ Âm Phủ) họp tại làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Sở dĩ có cái tên này là vì chợ chỉ mở từ đêm mùng 4 tới rạng sáng mùng 5 Tết. Người ta cho rằng đây là khung giờ để người trần và cõi âm có thể cùng đi chợ mua bán. Hàng quán không dựng lều, không thắp đèn. Chưa hết, tại đây, những người giao thương không quan trọng lời lỗ, không đếm tiền, không gây huyên áo. Đặc biệt, ở đầu chợ luôn đặt một chậu nước để thử xem là tiền cõi âm hay dương. 

 

Chợ Âm Dương, Bắc Ninh

 

Chợ Âm Dương chỉ bày bán đồ vật tế lễ và những con gà đen tuyền. Tương truyền, gà đen có thể vào được cõi âm để gặp Thành Hoàng, xin Ngài phù hộ cho dân làng được sung túc, an khang. Nhà nào có gà đen đem bán ở chợ làm vật hiến tế sẽ được nhiều may mắn. Đến sáng, sau khi tan chợ, mọi người mời nhau ăn trầu và cùng hát quan họ Bắc Ninh. 
 

Phiên chợ Bát Xát, Lào Cai

 

Tham gia phiên chợ Tết vùng cao ở Bát Xát hứa hẹn là một trải nghiệm để đời với bất kỳ du khách nào. Bất chấp thời tiết lạnh giá dịp Tết, phiên chợ vẫn đông vui và rực rỡ sắc màu. Váy áo, khăn đội đầu, thổ cẩm tinh xảo của người dân tộc H’Mông tô điểm sặc sỡ cả khu chợ. 

 

Ngoài giày dép, áo quần, bạn nhớ nếm thử đồ ăn thức uống độc đáo của Tây Bắc Việt Nam như thắng cố, phở chua, thịt trâu gác bếp, rượu ngô, rượu táo mèo,... Đâu đó giữa phiên chợ, tiếng khèn môi réo rắt của trai bản vang lên như đong đưa, mời gọi. Tất cả góp phần tạo nên một phiên chợ miền núi đầy ấn tượng. 

 

Phiên chợ Bát Xát, Lào Cai

 

Chợ Xín Mần, Hà Giang

 

Tương tự chợ Bát Xát, phiên chợ Xín Mần ở Hà Giang cũng có những cô gái dân tộc thiểu số xinh đẹp trong bộ váy đủ màu sắc, hàng hóa các loại và tiếng khèn đầy trữ tình. Bạn có thể chọn mua quà Tết và nhiều mặt hàng như bánh mứt, gà vịt, quần áo, vải vóc, tranh ảnh,... Tại đây, người mua kẻ bán cũng không nói thách hoặc mặc cả để lấy may đầu năm. 
 

Chợ Gia Lạc, Huế

 

Chợ Gia Lạc, hay phiên chợ Hoàng gia, là chợ truyền thống lâu đời xuất hiện từ thời vua Minh Mạng (1820-1840). Chợ chỉ họp mỗi năm duy nhất một lần, từ mùng 1 tới mùng 3 Tết. Du khách có thể tìm thấy nhiều mặt hàng như đặc sản xứ Huế, món ăn cung đình, hoa quả, trầu cau, đồ chơi trẻ em, v.v. 

 

Đi chợ Tết Gia Lạc được coi như dịp hái lộc năm mới, cầu may mắn, thuận lợi. Thay vì nói “mua bán”, người dân Huế thích dùng từ “biếu, tặng” hơn. Ngoài việc mua sắm, bạn cũng có thể chơi các trò chơi dân gian tại phiên chợ này để thử vận may như bài ghế, bài chòi, bài thái, hò giã gạo,...

 

Chợ Gia Lạc, Huế

 

Chợ Bích La, Quảng Trị

 

Phiên chợ Bích La diễn ra từ tối mùng 2 tới sáng mùng 3 Tết Nguyên Đán tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Du khách đến đây có thể mua sản vật do người dân tự tay sản xuất. Cũng như các phiên chợ Tết khác, người bán không hét giá và người mua không trả giá. Tại phiên chợ Bích La, bạn còn có thể xin chữ đầu năm từ các ông đồ mũ áo chỉnh tề. Thông thường, họ chỉ cho chứ không bán các bức thư pháp. Bạn có thể tặng họ một món quà hoặc bao mừng tuổi để đáp lễ. 

 

Chợ Bích La, Quảng Trị

 

Phiên chợ Gò, Bình Định

 

Vào mùng 1 Tết hằng năm, người dân thôn Phong Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức phiên chợ Gò. Rau củ quả, trái cây, thực phẩm, trầu cau,... được bày ra bán ngay sau đêm giao thừa. Theo thông lệ, khách đến chợ Gò sẽ mua 12 lá trầu tượng trưng cho 12 tháng trong năm, 2 trái cau chín, vôi và một chùm quả sung để cầu sung túc, may mắn cả năm. Mọi người cũng không nói thách hay mặc cả nhằm trao đổi lộc lá đầu xuân năm mới. 

 

Có thể thấy các phiên chợ Tết của Việt Nam là nơi vô cùng dễ chịu để du xuân. Bạn sẽ được tận hưởng bầu không khí hòa nhã, đầm ấm, mua sắm không lo bị chặt chém và trải nghiệm văn hóa Tết đặc sắc. Liên hệ Visit Vietnam Tours để có cơ hội tới thăm các điểm đến với các phiên chợ Tết truyền thống độc đáo nhé!